Đi bảo tàng học tài chính cá nhân ở Malaysia

Tháng 11/2024, mình quay lại Kuala Lumpur, Malaysia. Tại đây, mình chọn 1 địa điểm tham quan "độc lạ" do vô tình thấy ở Google Maps và không hề lên kế hoạch trước.

Đi bảo tàng học tài chính cá nhân ở Malaysia

Mình đã có nhiều trải nghiệm tốt trong hành trình quay lại Kuala Lumpur, Malaysia vào tháng 11/2024. Đặc biệt trong đó là chuyến tham quan “ngẫu hứng” Bảo tàng và Phòng trưng bày Nghệ thuật Bank Negara Malaysia (BNM MAG).

Nghe có vẻ khô khan, nhưng đây không phải là một bảo tàng nhàm chán thông thường. Thay vào đó là một hành trình sinh động về sự phát triển kinh tế, tiền tệ và tài chính của Malaysia. Hơn hết, bảo tàng len lỏi minh họa thực tế giúp chúng ta nhìn nhận lại cách bản than đang quản lý tiền bạc ra sao.

Dưới đây là 3 bài học quan trọng nhất mà mình đã "học được" từ chuyến đi này.

1. Tiền bạc vốn chỉ là công cụ

Bảo tàng có trưng bày các hình thức trao đổi từ xa xưa: từ vỏ ốc đến những đồng xu, tiền giấy hay hiện đại hơn là thẻ ngân hàng, mobile app (bank/ e-wallet).

Ngoài ra, bảo tàng tạo ra 1 quan hệ giữa người và tiền bạc như sau:

  • Bạn làm việc để có tiền → Dùng sức lao động để kiếm tiền
  • Bạn lấy tiền để mua đồ ăn, nhu yếu phẩm → Dùng tiền phục vụ nhu cầu sống
  • Bạn tiết kiệm tiền để mua nhà → Đổi tiền lấy tài sản

Theo minh họa trên:

Tiền cơ bản là công cụ để mình giao dịch “giá trị bản thân” và thời gian. Từ đó dùng tiền để phục vụ nhu cầu, mong muốn và gầy dựng tài sản.

Nhưng khi mình cầm điện thoại chụp ảnh, chợt nghĩ: Tiền cũng như 1 cái điện thoại.

Mục đích của điện thoại là công cụ giúp mình liên lạc với người khác dễ dàng hơn và khám phá thế giới bên ngoài. Nhưng nếu bản thân mình chỉ khư khư ôm điện thoại và không khám phá xung quanh hay kết nối với xã hội, thế điện thoại có ý nghĩa gì?

Với sự overthinking này làm mình đúc kết bài học đầu tiên:

Đừng để tiền kiểm soát mình.

Chúng ta lao lực để kiếm tiền phục vụ bản thân và luôn hướng tới việc để tiền làm việc cho mình (tiền-đẻ-ra-tiền).

Kiếm tiền nhiều cũng tốt, nhưng dùng tiền ra sao còn quan trọng hơn.
Minh họa về tiền xuyên suốt dòng chảy của lịch sử loài người.

2. Tiền thật, giá trị thật

Mình ấn tượng "đường hầm 1 triệu Ringgit" – là “tiền tươi thóc thật” với một triệu Ringgit tiền mặt được xếp chồng chất trong một cái hộp kính. Nhìn số tiền đó, bạn sẽ thấy đó là một đống tiền thật rất lớn đập vào mặt.

Bức tường lấp đầy bởi nhiều tờ tiền với tổng giá trị 1 triệu ringgit

Điều này dậy sống trong lòng mình nhiều suy nghĩ đan xen:

  • Thời sinh viên, một ngày đi học mình “thắt lưng buộc bụng” ăn trưa tối đa 15,000 - 25,000đ. Nhưng đi làm rồi mình lại có thể bình thản ăn trưa gấp 4, 5 lần con số ấy. Mình lại tự hỏi vì sao có sự nhảy vọt trong suy nghĩ như vậy?
  • Một triệu đồng, mười triệu đồng,… nghe có vẻ bình thường với người đi làm thu nhập ổn định. Nhưng nếu ta quy đổi với số lượng tờ tiền mệnh giá nhỏ hơn như 10,000đ thì rõ ràng đây vẫn là con số lớn. Có chăng đây là giá trị đằng sau những con số 0?

Đúng là khi những con số bình thường/ trừu tượng trở nên cụ thể, mình lại thấy trân trọng nó nhiều hơn và không xem nhẹ dù cầm trên tay bất kỳ mệnh giá nào.

Mình học bài học mới, suy nghĩ mới & sẽ áp dụng trong các quyết định cuộc sống:

  • Chi tiêu: Thay vì nghĩ "Cái này cỡ 500k", hãy nghĩ "Cái này tận 50 tờ 10k lận". Điều này vô tình giúp bạn ý thức hơn về mỗi khoản tiêu xài.

  • Tiết kiệm → Đặt từng viên gạch rõ ràng với minh họa sau:

    • Để có 100 triệu đầu tiên = 200 tờ 500k

    • Tiết kiệm 10 tờ 500k/tháng (5 triệu) ~ 20 tuần ~ hơn 1.5 năm cho mục tiêu này

Minh họa thực tế: 1 triệu ringgit quy đổi được những gì

3. Lập kế hoạch, tích tiểu thành đại

Mình còn đến khu trưng bày Financial LATeracy, đây là khu vực dạy về lập ngân sách, tiết kiệm và đầu tư. Họ minh họa bằng những hình ảnh rất dễ hiểu:

  • Một cái cây tiền được tưới nước
  • Một con heo đất được nuôi lớn

Những ví dụ này thật đúng vì

Tiền của bạn không tự lớn lên được. Nó giống như một hạt giống, bạn phải gieo trồng và chăm sóc nó.

Ở khu vực này, bảo tàng nhấn mạnh rằng, dù bạn kiếm được bao nhiêu tiền, việc quan trọng nhất là bạn quản lý nó như thế nào:

  • Tiết kiệm: "Si Kijang Money Box" - một hoạt động cho trẻ em tự làm ống heo giấy - đã truyền tải thông điệp này thật đơn giản. Tiết kiệm không chỉ là cất tiền vào một chỗ, mà còn là một thói quen tốt cần được hình thành từ sớm.
  • Đầu tư: Bảo tàng cũng có khu vực nói về vai trò của ngân hàng trung ương trong việc ổn định nền kinh tế. Điều này cho thấy rằng, đầu tư vào những kênh tài chính uy tín và đa dạng là cách để tiền của bạn sinh sôi nảy nở, chống lại lạm phát và giúp bạn đạt được sự độc lập tài chính.
  • Tránh nợ xấu: Triển lãm cũng đưa ra những lời khuyên về việc vay mượn thông minh và tránh rơi vào nợ nần chồng chất. Nợ xấu có thể hủy hoại cuộc sống và kế hoạch tài chính của bạn.
Bảo tàng còn có khu vực thi đấu để 2 người so tài khả năng đầu tư thông qua sàn chứng khoán “ảo”

Tổng kết

Ngoài tài chính cá nhân, Bảo tàng còn giúp mình khám phá nền kinh tế Hồi Giáo chung của thế giới lẫn Malaysia, sự hình thành của Ngân hàng Negara và sự phát triển kinh tế của quốc gia này.

Nhưng quan trọng nhất:

Dù bạn là ai, làm công việc gì, việc trang bị kiến thức tài chính và có một kế hoạch tài chính rõ ràng là điều vô cùng cần thiết.

Nếu bạn có dịp đến Kuala Lumpur, đừng bỏ lỡ địa điểm thú vị này. Nếu thích chụp hình thì góc cầu thang ở đây cũng oke phết.

Góc sống ảo ở bảo tàng :))

Subscribe to I'm BBinary

Don’t miss out on the latest issues. Sign up now to get access to the library of members-only issues.
jamie@example.com
Subscribe